DANH LAM THÁNH TÍCH KÌ 27: CHÙA HAEINSA – PHÁP BẢO CỦA PHẬT GIÁO HÀN QUỐC

Haeinsa được biết đến là ngôi chùa lớn nhất Hàn Quốc, chùa Haeinsa tọa lạc tại ngọn núi nổi tiếng Gaya, thuộc tỉnh Nam Gyeongsang.

Đây là một trong ba ngôi chùa quan trọng nhất ở Hàn Quốc, cùng với Tongdosa (Bulbohsa) và Songgwangsa (Seungbo), cả ba Tự viện được tôn vinh là Tam Bảo của Phật giáo tại đất nước này.

Trong đó, Haeinsa là thánh địa của Phật giáo Hàn Quốc với gần 70 di tích, bao gồm di sản Văn hóa Thế giới và bảo vật Quốc gia.

I – Lịch sử hình thành, xuất xứ địa danh:

Nằm cách Daegu khoảng 70 km về phía Tây, thuộc Công viên Quốc gia Gayasan, tỉnh Nam Kyungsang, Hàn Quốc. Quần thể kiến trúc ngôi chùa được Haeinsa xây dựng lần đầu vào năm 802, tương truyền do đức Vua Aejang đã ra lệnh xây dựng ngôi chùa để tỏ lòng biết ơn đối với hai nhà sư người Triều Tiên là Suneung và Ijeong trở về từ Trung Quốc, đã trị khỏi bệnh cho vợ của vua. 

Chùa Haeinsa hay còn gọi là Hải Ấn Tự là một trong ba ngôi chùa lưu giữ những báu vật của Phật giáo Hàn Quốc, còn được gọi là Tam Bảo Tự. Trong đó, chùa Haeinsa đại diện cho Pháp Bảo – tức là lời dạy của Đức Phật.

Được biết đến không chỉ bởi lối phong cách kiến trúc nổi bật mà nơi đây quan trọng nhất chính là còn có khu Janggyeong Pangeon là nơi lưu giữ Tripitaka Koreana – bộ chạm khắc kinh Phật cổ. Tripitaka Koreana, nghĩa là “Tam tạng Phật điển Hàn Quốc”, một tập hợp của hơn 81.258 tấm gỗ có khắc kinh Phật trên đó, được lưu giữ ở đây từ năm 1398.

Ngôi chùa cổ kính này đã có lịch sử tồn tại hơn 1.200 tuổi, uy nghiêm tọa lạc trên núi Gaya thuộc tỉnh Nam Gyeongsang, trong chùa có tượng Phật bằng gỗ cổ nhất Hàn Quốc. Hiện nay, chùa Haeinsa là Trung tâm Thực hành Thiền Seon, trụ sở chính của Tông phái Jogye thuộc Phật giáo Seon Hàn Quốc. Đây cũng là trú xứ của Thiền sư Seongcheol – một bậc thầy Seon có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ, ngài đã viên tịch năm 1993.

Giữa vùng núi non rừng rậm, Haeinsa mang vẻ đẹp của lịch sử và tâm linh Phật giáo. Kiến trúc của chùa Haeinsa toát lên sự thanh tịnh và tôn nghiêm, thể hiện tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc. Hiện tại, có khoảng 500 nhà sư đang sống ở chùa Haeinsa.

II – Các hạng mục chính:

Bước vào cổng Tam quan, sự yên bình và tĩnh lặng chính là cảm giác xuyên suốt cho du khách khi đến đây. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh khu quần thể kiến trúc Haeinsa với những tán cây cổ thụ sum suê trên những rặng núi xanh tươi, hòa vào tiếng chuông thanh thoát đã tạo nên một không gian tâm linh tuyệt vời khó tả. Khuôn viên chùa Haeinsa được bố trí theo ba tầng: sân dưới, sân trên và thư viện Tripitaka Koreana ở trên cùng.

  • Tầng 1:

Qua hết dãy cầu thang từ lối vào, du khách sẽ đến tầng đầu tiên của chùa Haeinsa và đi qua cánh cổng có tên là Bất nhị, được gọi là Bullimun. Tầng đầu tiên này có khoảng chục Hội trường, một số trong đó có Văn phòng của chùa cũng như khu nhà ở của các vị thầy nơi đây. Trung tâm của tầng một còn có mê cung Phật giáo tên là Haeindo.

Tòa nhà đối diện với Bullimun ở đầu kia của tầng một là quán cà phê, cửa hàng và hiệu sách trong chùa. Việc kinh doanh thương mại bên trong một phần tòa nhà của ngôi chùa là điều khá lạ mà ít thấy ở các ngôi chùa khác tại Hàn Quốc. 

  • Mê cung Haeindo:

Mê cung Haeindo được xây dựng dựa trên sơ đồ do Học giả Tu sĩ Hàn Quốc thời Silla Uisang (625-702) tạo ra. Sơ đồ chính là sự diễn giải trực quan của bài thơ mang tên “Bài hát của Pháp tánh (Beopseongge)” mà ông đã viết trong thời gian ở nhà Đường, Trung Quốc. Bài thơ này dựa trên triết lý Phật giáo gồm 210 chữ sắp xếp thành 30 dòng, mỗi dòng có 7 chữ.

Mê cung giống như sơ đồ của bài thơ, được bố trí xung quanh hình chữ Vạn của Phật giáo, biểu tượng của sự tốt lành. Tại sân trung tâm của chùa Haeinsa, chúng ta có thể kinh hành quanh mê cung. Du khách thường sẽ hoàn thành hành trình trong mê cung và tụng Bài ca về Pháp tánh, có sẵn tại khuôn viên Mê cung chùa bằng cả tiếng Hàn và tiếng Anh. Mê cung cũng bắt đầu và kết thúc tại cùng một điểm.

  • Lầu Chuông: 

Loại hình kiến trúc lầu Chuông là một đặc điểm thiết yếu của bất kỳ ngôi chùa nào ở Hàn Quốc. Nơi đây thường trưng bày bốn loại pháp khí truyền thống của Phật giáo. Bốn nhạc cụ này đại diện cho bốn hình thức sinh trưởng của các loài chúng sinh trong vũ trụ.

Chuông lớn hay Đại hồng chung (beomjong) tượng trưng cho chúng sinh sống trên trái đất; Trống lớn hay Pháp cổ (beopgo) tượng trưng cho chúng sinh trên thiên đường và địa ngục; Mõ hay gọi là Cá gỗ (mokeo) tượng trưng cho tất cả chúng sinh trong nước và Chiêng mây hay Khánh (unpan) tượng trưng cho tất cả chúng sinh trên bầu trời. Sẽ có hai vị thầy đảm trách những pháp khí này hai lần mỗi ngày.

  • Tầng 2 – Hội trường chính Daejeokgwangjeon:

Hội trường chính Daejeokgwangjeon còn được gọi là Hội trường của sự tĩnh lặng và ánh sáng vĩ đại. Nằm trên bàn thờ chính bên trong Daejeokgwang-jeon là bức tượng tập trung của Đức Phật mang năng lượng của Vũ trụ.

Các bức tường bên ngoài của Hội trường này được trang trí bằng 8 cảnh trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Các vị thầy tại chùa Haeinsa thường vân tập tại đây để tụng kinh, cầu nguyện vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ.

Phía trước Chính điện, có một ngôi chùa bằng đá ở bên phải, cao ba tầng và được gọi là Birotap. Mục đích của những ngôi chùa như thế này là để lưu giữ các di vật Phật giáo bao gồm kinh và tượng Phật. 

Ngôi chùa đặc biệt này ở chùa Heainsa là nơi lưu giữ các bức tượng của Đức Phật, điển hình cho các ngôi chùa thời Shilla. Ngay phía trước chùa có một tảng đá phẳng nằm trên mặt đất để du khách lạy Phật.

Đại đường Daebiro

Ở phía bên trái, bạn sẽ tìm thấy một kiến trúc có tên Daebirojeon. Đại đường Daebiro là nơi cất giữ bức tượng Phật bằng gỗ cổ nhất Hàn Quốc, một bức tượng Phật Tỳ-Lô-Xá-Na (Vairocana) khắc năm 883 và rất nhiều món bảo vật khác nhau. 

  • Tầng 3 – Quần thể Janggyeong Panjeon – Hệ thống Nhà kho lưu trữ Tam tạng kinh điển Hàn Quốc (Tripitaka Koreana):

Tầng thứ ba của khu phức hợp chùa Haeinsa là nơi lưu giữ tài sản quý giá nhất nơi đây: Tam tạng kinh điển Hàn Quốc (Tripitaka). Từ “Tripitaka” xuất phát từ tiếng Phạn, có nghĩa đen là “Ba giỏ”. Đó là thuật ngữ truyền thống để diễn đạt khái niệm Tam tạng Thánh điển trong nhà Phật.

  • Hệ thống kiến trúc:

Các chuyên gia lịch sử cho rằng Đại Trường kinh Tripitaka Koreana đã được đưa đến cho chùa Haeinsa là khoảng năm 1397. Như vậy, có thể dự đoán rằng khu Janggyeong Pangeon được xây dựng vào năm 1488, thời kỳ đầu của triều đại Joseon.

Hội trường nơi lưu trữ các khối in được gọi là Janggyeonggak và bao gồm hai tòa nhà hình chữ nhật dài nối với nhau. Hệ thống Nhà kho Janggyeong Pangeon không những là hạng mục thể hiện vẻ đẹp của kiến trúc mà còn được đánh giá cao bởi sự bố trí khoa học, nhằm được dùng cho một mục đích duy nhất đó là bảo vệ những phiến mộc bản Tam tạng. 

Điều thú vị là nền móng của Hội trường bao gồm các lớp muối, than, vôi và cát dùng để làm giảm độ ẩm có thể gây phá hủy các mộc bản Thánh điển. Tòa nhà cũng hướng về phía Tây Nam để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp vào, điều này cũng sẽ làm hỏng kho báu. 

Khu nhà được thiết kế đặc biệt để tạo ra được độ thông gió tự nhiên cũng như điều hòa nhiệt độ và độ ẩm không khí sao cho thích hợp được với điều kiện khí hậu. Vì thế trong hơn 500 năm qua, Tripitaka Koreana vẫn tồn tại mà không hề bị phá hoại bởi mối mọt hay côn trùng.

  • Mộc bản Tripitaka Koreana:

Các mộc bản được xác định thời gian tạo ra vào khoảng thế kỷ 13. Tương truyền, những mộc bản này được người Goryeo khắc tạo khi cầu nguyện Đức Phật gia hộ, giúp đất nước chiến đấu chống lại quân xâm lược Mông Cổ. 

Tripitaka Koreana đã trở thành phiên bản nguyên vẹn và lâu đời nhất của văn học Phật giáo bằng chữ Hanja. Được biết, tất cả 81.258 cuốn đều không có lỗi nào và ước tính có đến 52.330.152 ký tự trong hơn 1496 đầu sách và 6568 tập. 

Những bản khắc gỗ này được nhiều học giả Phật giáo trên khắp thế giới công nhận về độ chính xác vượt trội với chất lượng cao. Các nhà học giả nghiên cứu Phật Giáo Trung Quốc cũng đã sử dụng bộ kinh Phật ở chùa Haeinsa để đối chiếu với những bộ Tam tạng của họ. Các bản khắc gỗ cũng có giá trị trong việc chạm khắc tinh tế các ký tự Trung Quốc, đều đặn đến mức làm người xem lầm tưởng đây là các tác phẩm do cùng một người tạo nên.

Bộ sưu tập mộc bản Tam tạng linh thiêng này đã bị cấm trưng bày triển lãm trong một suốt một thời gian dài. Mãi cho đến tháng 6 năm 2021, du khách mới được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập quý giá này.

  • Thăng trầm lịch sử:

Trong lịch sử, ngôi chùa Haeinsa đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra, điều này đã làm phá hủy một số hạng mục trong quần thể kiến trúc được xây dựng trước đó. Tuy nhiên, riêng Nhà kho chứa Tam tạng Thánh điển lại không bị phá hoại hay bị thiêu rụi bởi trận hỏa hoạn đã xảy ra vào năm 1818. Tổng cộng, Janggyeong Panjeon đã sống sót sau bảy vụ hỏa hoạn nghiêm trọng và một lần suýt bị đánh bom trong Chiến tranh Triều Tiên.

  • Di sản Văn hóa Thế giới:

Quần thể Janggyeong Panjeon là phần lâu đời nhất của ngôi chùa Haeinsa, được chính phủ Hàn Quốc chỉ định là Bảo vật quốc gia vào ngày 20 tháng 12 năm 1962. Chúng là một số cơ sở lưu trữ bằng gỗ lớn nhất thế giới.

Đây là Di sản Văn hóa độc nhất giúp dân tộc Hàn Quốc chứng minh được quá trình phát triển các thành tựu quan trọng của Văn hóa, Khoa học, Nghệ thuật và Công nghiệp. Chính vì thế, tòa nhà Janggyeong Panjeon ở Chùa Haeinsa Hàn Quốc được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1995 và trở thành 1 trong 9 Di sản Thế giới tại Hàn Quốc.

Ủy ban UNESCO đã công nhận rằng các tòa nhà lưu giữ Tripitaka Koreana là một kiến trúc độc nhất vô nhị vì không có công trình lịch sử nào khác được dành riêng để bảo tồn các hiện vật và các kỹ thuật được sử dụng đặc biệt khéo léo. 

  • Một số hạng mục kiến trúc khác:

  • Birim:

Birim là khu vực của những Bảo tháp lưu giữ các thi hài và tôn thờ những vị Thiền sư vĩ đại đã từng sống và Trụ trì ngôi chùa Haeinsa. Quang cảnh đặc biệt nơi đây chính là rừng cây zelkova (cây du) và cây linh sam khổng lồ ở Haksadae, tương truyền đây là cây đã mọc lên từ cây gậy chống đường trồng ngược trên nên đất bởi vị Cư sỹ Nhà thơ Choe Chi-won (Thôi Trí Viễn) cách đây hơn 1.000 năm.

  • Beopbojeon (Hội trường Pháp):

Quần thể này bao gồm bốn Hội trường được sắp xếp theo hình chữ nhật và phong cách rất đơn giản vì được sử dụng làm nơi lưu trữ. Hội trường phía bắc được gọi là Beopbojeon (Hội trường Pháp) và Hội trường phía nam được gọi là Sudara-jang (Hội trường Kinh). 

Hai hội trường chính này dài 60,44 mét, rộng 8,73 mét và cao 7,8 mét. Ngoài ra, còn có hai Hội trường nhỏ ở phía Đông và phía Tây, và nơi đây còn được xây dựng thêm hai thư viện nhỏ. Trong đây sẽ trưng bày bản sao của một bản khắc gỗ Tripitaka Koreana để du khách có thể sử dụng in mực bản khắc gỗ trong khuôn viên phức hợp Haeinsa.

III – Các thời kỳ trùng tu khu quần thể chùa Haeinsa:

Chùa Haeinsa có niên đại 1.200 năm tuổi được mệnh danh là ngôi chùa lưu giữ kinh Phật cổ nhất thế giới. Trong chùa còn có tượng Phật bằng gỗ cổ nhất Hàn Quốc. Đây được xem là điểm đến Phật giáo quan trọng của du lịch Hàn Quốc.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Haeinsa này đã được phục hồi vào các năm 900, 1488, 1622, và 1644. Vào năm 1817, chùa Haiensa đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn và năm 1818 toà nhà chính đã được xây dựng lại. 

Đến năm 1964, ngôi chùa được trùng tu lại và mang dáng vẻ hoàn thiện cho đến ngày nay. Mặc dù có nhiều sự thay đổi nhưng quần thể kiến trúc chùa Haein vẫn luôn giữ được vẻ đẹp và nét thanh tao vốn có của mình.

KẾT LUẬN:

Chùa Haeinsa không chỉ là thánh địa của Phật giáo Hàn Quốc mà còn là một viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa và lịch sử của đất nước này. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ kính, không gian tĩnh lặng và kho tàng kinh điển Tripitaka Koreana độc đáo đã biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.

Với tư cách là nơi lưu giữ bộ kinh Phật hoàn thiện và đầy đủ nhất trong số các bản kinh Phật trên toàn thế giới, chùa Haeinsa thu hút không chỉ Phật tử Hàn Quốc mà còn các học giả và du khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Mỗi du khách đến đây đều có cơ hội khám phá một thế giới tâm linh sâu sắc và chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa độc đáo. 

 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares