Nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu được rất nhiều người quan tâm. Đây là ngày mọi người cùng bày tỏ lòng thành kính, tri ân và báo hiếu với ông bà, cha mẹ. Là dịp để người con Việt Nam thể hiện tinh thần truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào mỗi năm vào 15 tháng 7 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ ở kiếp này và ở các kiếp trước.
Nguồn gốc Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ lòng đại hiếu của Bồ Tát Mục Kiền Liên đã nỗ lực cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Mục Kiền Liên gặp mẹ
Một ngày nọ, Mục Kiền Liên (là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật) bỗng nhớ đến thân mẫu của mình, là bà Thanh Đề đã qua đời. Ông muốn biết mẹ bấy giờ như thế nào.
Trong lúc thiền định, tôn giả đã quán chiếu thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên đang phải chịu quả báo đau khổ trong chốn Ngạ quỷ. Thân hình bà tiều tụy khô héo, chỉ còn da dính xương, cổ thì nhỏ như cây kim, đang rất đói khát.
Tôn giả thương cảm vô cùng, lấy bình bát đựng đầy cơm đem dâng cúng dường cho mẹ. Thấy cơm bà mừng lắm, bà đã dùng một tay che chắn bát cơm của mình, không để các linh hồn khác tranh cướp. Tuy nhiên khi bà lấy cơm đưa lên miệng ăn, cơm chưa tới miệng thì đã hóa thành lửa đỏ, không thể nào ăn được!
Chứng kiến mẹ như vậy, tôn giả thương quá, đau đớn quá!
Tôn giả hiểu rằng tội nghiệp của mẹ rất nặng, nhưng với sức của bản thân không làm gì được để cứu mẹ, tôn giả bèn đi bái kiến Đức Phật kể rõ câu chuyện vừa rồi và xin Phật chỉ dạy cách cứu mẹ.
Đức Phật dạy
Đức Phật dạy rằng: Này Mục kiền Liên! Vì gốc tội của mẹ thầy quá sâu dày, cho nên dù thần lực của thầy có rộng lớn, thân thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của thầy có làm cảm động đến trời đất, nhưng sức một mình thầy thì không thể cứu nổi bà thoát khỏi.
Muốn cứu được bà, thầy phải nhờ đến sự hợp lực của toàn thể tăng chúng khắp mười phương trời mới có thể cứu được. Chỉ có sức cầu nguyện của toàn thể tăng chúng mới tạo nên thần lực lớn, làm cho nghiệp chướng của mẹ thầy tiêu trừ và bà sẽ thoát khỏi các quả báo đau khổ.
Như vậy, ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp, là ngày “tự tứ” của chư tăng khi mãn khóa an cư, những người làm con nên cung thỉnh xin chư tăng tổ chức cho lễ cầu nguyện để hộ niệm cho các bậc cha mẹ đã qua đời cũng như hiện còn sống.
Những người con hiếu thảo sắm sửa trai phạn, hương hoa trà quả để cúng dường chư tăng. Bởi vì, chư tăng trong mười phương, hoặc đang thiền định nơi hang núi hay bên bờ sông, hoặc đang kinh hành ở dưới gốc cây, hoặc đang tu tập và chứng bốn quả vị Thanh Văn, hoặc đã chứng được sáu phép thần thông và đang giáo hóa đỏ một cách tự tại, hoặc là các bị Bồ Tát đang phương tiện hành hóa bằng thân tướng tì kheo. Những bậc thánh chúng như vậy rất nhiều, giới hạn của thật thanh tịnh, phước đức như biển lớn.
Cho nên sức chú nguyện của họ hợp lại sẽ hùng mạnh vô cùng, làm cho cha mẹ và người người thân thuộc đã quá vãng trong nhiều đời trước được tiêu tan nghiệp chướng, thoát li các quả báo đau khổ và đồng thời cũng làm cho cha mẹ và những người thân thuộc đang còn sống phước lạc. Đó là phương pháp màu nhiệm và hữu hiệu để thực hiện lòng hiếu thảo.
Được Phật chỉ dạy cặn kẽ, Mục Kiền Liên vui mừng lạy tạ. Đến ngày tự tứ, tôn giả y lời Phật dạy, cung thỉnh đại chúng chú nguyện cho mẫu thân.
Kết quả
Quả nhiên, nhờ thế mà Mục Kiền Liên đã giải thoát được cho mẹ mình khỏi cảnh khổ đau nơi chốn Ngạ Quỷ.
Để đền ơn Đức Phật, tôn giả nhân đó đã đem lời Phật dạy mà hướng dẫn cho Phật tử thực hiện ngày hội Vu Lan hằng năm để đáp đền công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Từ đó, ngày lễ Vu Lan được ra đời, đó cũng là câu chuyện Sự tích Vu Lan báo hiếu được truyền miệng cho đến ngày hôm nay.
Và vì sự tích này cũng là nguyên do, ngoài tôn hiệu “thần thông bậc nhất”, tôn giả Mục Kiền Liên còn được tôn xưng là bậc “đại hiếu”.
Phật Sự Tản Viên tổng hợp